NHỮNG CĂN CỨ KHOA HỌC BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ MÃ ĐỊNH DANH ĐIỆN TỬ!

Mới đây, vào ngày 18/7/2022, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) chính thức công bố ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Bắt đầu từ ngày này, lực lượng công an sẽ phê duyệt tài khoản cho những người đã đăng ký. Đây là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.

Tuy nhiên, với những suy đoán vô căn cứ, số đối tượng chống phá đưa ra các thông tin sai sự thật, đại ý như: Việc định danh điện tử là bắt chước cách làm của một quốc gia láng giềng nhằm quản lý, theo dõi công dân hoặc chỉ có một vài quốc gia “kém dân chủ” mới sử dụng,… Mặc dù biết rõ là phi lý và đã có nhiều ý kiến bình luận giải thích, tuyên truyền nhưng số đối tượng trên vẫn cố tình không hiểu hoặc không quan tâm đúng, sai khi đưa thông tin về việc định danh điện tử lên mạng xã hội hòng gieo rắc hoài nghi trong dư luận, gây chia rẽ, làm mất ổn định xã hội.

Có thể thấy những thông tin “tung hỏa mù” này mặc dù đánh trực diện trên nhiều khía cạnh khác nhau như chính trị, kinh tế, sức khỏe… nhưng tựu trung lại đều nhằm chĩa mũi nhọn công kích vào vấn đề an ninh con người đã sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta đưa ra trong nhiều nhiệm kỳ qua, đặc biệt là tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Trên thực tế, với việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật vào mã định danh điện tử của Việt Nam đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi phương thức quản lý con người từ thủ công sang hiện đại, mà còn đảm bảo đầy đủ, chặt chẽ các yếu tố an ninh, an toàn và có khả năng bảo mật thông tin ở mức độ rất cao.

Đồng thời, sử dụng mã định danh điện tử có thể phòng ngừa các loại giấy tờ giả mạo, giảm chi phí việc công chứng nhiều loại giấy tờ truyền thống, tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện các dịch vụ trực tuyến của Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, việc đảm bảo độ an toàn, bảo mật của mã định danh điện tử là rất cao và việc đối sánh sinh trắc học có thể thực hiện ngay trên chíp nên thông tin định danh của công dân được lưu là không thể thay đổi, hạn chế tối đa giả mạo.

Mã định danh điện tử là gì?

Mã định danh là dãy số xác định nhân thân của mỗi công dân do Bộ Công an cấp. Mỗi công dân được cấp một mã định danh duy nhất từ khi sinh ra đến khi mất đi và không lặp lại ở người khác. Số định danh cá nhân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kết nối, liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác. Khi đủ tuổi được cấp Căn cước công dân, số của Căn cước công dân cũng chính là mã định danh cá nhân.

Theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 137/2015/NĐ-CP: Mã số định danh cá nhân là dãy số tự nhiên gồm 12 số, có cấu trúc gồm 6 số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh của công dân, mã tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc mã quốc gia nơi công dân đăng ký khai sinh và 6 số là khoảng số ngẫu nhiên. Các mã số định danh cá nhân được bảo mật hoàn toàn. Mã định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc cấp cho công dân Việt Nam, mã số định danh cá nhân là mã số duy nhất của mỗi công dân và không lặp lại ở cá nhân nào khác.

Mã định danh điện tử gồm tài khoản định danh điện tử có hai mức. Mức 1 có thể trải nghiệm một vài tiện ích cơ bản như đọc báo, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch… Mức 2 có thể sử dụng tất cả các dịch vụ tiện ích mà Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan đã và đang xây dựng. Trong đó, để đăng ký tài khoản định danh mức 1, công dân thao tác trực tuyến (online) trên ứng dụng VneID (tải từ CH Play hoặc App Store). Kết quả phê duyệt tài khoản sẽ được gửi qua tin nhắn SMS, công dân vào ứng dụng, kích hoạt và sử dụng. Đối với mức 2, công dân phải đăng ký trực tiếp tại cơ quan công an nơi thu nhận hồ sơ căn cước công dân hoặc tại công an phường thuộc 5 thành phố trực thuộc trung ương nếu đã có thẻ căn cước công dân gắn chip.

Tiện ích của mã định danh điện tử

Công dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công sẽ giảm bớt các thủ tục xác minh thông tin, có thể chia sẻ thông tin của mình để tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông…; thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không cần phải khai báo, điền nhiều lần như trước đây. Đặc biệt, với tài khoản định danh điện tử, thông tin của công dân sẽ được bảo mật, chính xác và duy nhất, vì những thông tin này được xác thực từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư - là dữ liệu gốc được Bộ Công an quản lý. Hiện nay, công dân có thể đăng ký và sử dụng các tiện ích từ tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VneID do Bộ Công an xây dựng.

Khi đăng ký tài khoản ở mức độ 2, thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được tích hợp, tạo thành một thẻ căn cước công dân điện tử. Căn cước công dân điện tử có giá trị tương đương thẻ căn cước công dân gắn chip vật lý, có thể phục vụ cơ quan chức năng, công dân sử dụng trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần xuất trình thẻ căn cước công dân gắn chip.

Thực tế cho thấy, mã định danh và mã định danh điện tử đã được áp dụng trên thế giới từ khi khoa học kỹ thuật phát triển và đến nay đã có khoảng 70 quốc gia sử dụng. Việc áp dụng mã định danh điện tử mang lại nhiều tiện tích cho người dân khi thực hiện các giao dịch, chỉ cần mã định danh điện tử mà không phải mang nhiều loại giấy tờ tới các cơ quan hành chính như trước đây.

Ngày 07/9/2022 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử. Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam liên quan đến định danh và xác thực điện tử; có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022. Nghị định trên còn quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, xác thực điện tử; dịch vụ xác thực điện tử; quyền, nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ xác thực điện tử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó, danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: thông tin cá nhân là số định danh cá nhân; họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học là ảnh chân dung, vân tay.

Như vậy, có thể thấy việc cấp mã định danh điện tử tạo công cụ giúp người dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, đảm bảo tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả thay cho việc thực hiện các giao dịch với phương pháp truyền thống (giấy tờ tùy thân, gặp mặt trực tiếp,…). Định danh điện tử cũng tạo ra những công cụ thật sự thuận tiện, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, đặc biệt với những giao dịch thiết yếu nhưng vẫn đảm bảo được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn. Tài khoản định danh điện tử tích hợp toàn bộ các giấy tờ vào tài khoản định danh điện tử giúp công dân giảm thiểu các giấy tờ tùy thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng định danh điện tử quốc gia là có thể đảm bảo các thông tin về giấy tờ đã được tích hợp đầy đủ hiệu lực pháp lý để sử dụng thay thế giấy tờ vật lý truyền thống cũng như sử dụng trên môi trường điện tử.

Bên cạnh đó, mã định danh điện tử còn giúp công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thông qua quét mã QR code hoặc giải pháp kỹ thuật khác đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, bảo mật, tin cậy. Ngoài ra, định danh điện tử giúp xây dựng hệ sinh thái tạo ra tiện ích cho người dân trên mọi lĩnh vực như: dịch vụ công, dịch vụ thương mại điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và thay thế các loại giấy tờ của công dân trong các giao dịch điện tử.

Với những tiện tích của mã định danh điện tử trong đời sống hàng ngày của người dân và công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa và đấu tranh với các loại tội phạm, chúng ta cần có cái nhìn khách quan, đúng đắn và tin tưởng vào chủ trương của Nhà nước, từ đó đấu tranh phản bác lối suy diễn xuyên tạc, thiếu cơ sở khoa học của những kẻ phá hoại./.

Bình Nguyên – Hương Giang